Gốm Giang Cao kề bên Bát Tràng

Gốm Giang Cao kề bên Bát Tràng

Không có lịch sử lâu đời tới cả vài trăm năm như gốm Bát Tràng, song gốm Giang Cao lại có sức bật trẻ.

Nhắc đến nghề gốm sứ truyền thống, người ta thường hay nghĩ đến gốm Bát Tràng. Hầu như không ai biết bên cạnh Bát Tràng còn có một làng gốm Giang Cao. Không có lịch sử lâu đời tới cả vài trăm năm như gốm Bát Tràng, song gốm Giang Cao lại có sức bật trẻ của một làng nghề 60 năm tuổi vừa được công nhận là làng nghề truyền thống Hà Nội.

Xã Bát Tràng gồm hai thôn Bát Tràng và Giang Cao, trước năm 1945 là hai xã riêng biệt. Giang Cao trước đây có tên gọi là làng Đông Sáng, sau đổi thành Đông Ca và đến thời nhà Nguyễn trước đời vua Ưng Xụy, niên hiệu Đồng Khánh được đổi thành Giang Cao. So với lịch sử của làng gốm Kim Lan (800 năm) và làng Bát Tràng (700 năm), làng gốm Giang Cao tuổi nghề còn khá trẻ (khoảng hơn 60 năm).

Thấp tuổi làng trẻ tuổi nghề

Sau gần một giờ xe chạy, trước mắt chúng tôi không phải là cảnh làng quê với những mái ngói đỏ tươi, ruộng đồng thẳng cánh cò bay mà là một làng nghề thịnh vượng với những dãy nhà cao tầng nối tiếp nhau, liền kề xưởng gốm. Sản phẩm gốm đủ chủng loại, màu sắc, kích cỡ được bày biện rất nghệ thuật, khách du lịch ra vào tấp nập.

Tiếp chúng tôi bên bình trà chính hiệu gốm Giang Cao, ông Lê Văn Cam, nghệ nhân của làng trầm ngâm: "Sau năm 1989 cả xã Bát Tràng trở thành một trung tâm gốm lớn. Ngày xưa, người dân Giang Cao không mở xưởng gốm mà chỉ đi làm thuê cho bên Bát Tràng. Đến thời Pháp thuộc, có ông Phán Sồ, đã đỗ tú tài, mở một xưởng gốm có tên là Ngọc Quang. Đó là xưởng gốm đầu tiên của làng Giang Cao.

Từ xưởng gốm đầu tiên ấy, con cháu Giang Cao bắt đầu xây dựng những xưởng gốm của riêng mình. Đến nay, nghề gốm đã trở thành nghề truyền thống của cả làng". Giang Cao có khoảng trên 900 hộ dân, thì toàn bộ làm gốm, trong đó có 41 công ty TNHH, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân; còn lại số ít làm dịch vụ. So với Bát Tràng 700 năm tuổi, gốm Giang Cao ít được du khách biết đến hơn, số nghệ nhân đã được công nhận cũng ít hơn.

Bù lại, Giang Cao có nhiều điều kiện thuận lợi như: đất đai còn rộng để phát triển, số nghệ nhân, số hộ, số doanh nghiệp đông hơn. Sự năng động, sáng tạo và sức bật của làng nghề trẻ đã giúp Giang Cao ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường.

Theo ông Đào Xuân Hùng, Bí thư Đảng ủy -Chủ tịch UBND xã Bát Tràng, tổng thu nhập của cả xã Bát Tràng vào khoảng 2-3 triệu USD/ năm, thu nhập  cả xã lên tới 8 triệu USD/ năm, trong đó, Giang Cao chiếm xấp xỉ 50%, bình quân thu nhập của người dân là 28,5 triệu đồng/năm.

Người dân làng gốm cho biết, để có những sản phẩm chất lượng, đất sét phải mua từ làng Cổ Điền bên Vĩnh Phúc, hoặc mua từ làng Dâu bên Bắc Ninh. Đó là đất sét trắng, còn đất sét đỏ phải mua từ tận Hải Dương hay Thổ Hà - Bắc Ninh. Làng gốm có câu truyền miệng: "Nhất dáng, nhì men, rồi đến khắc, vẽ".

Gốm nơi đây từ xưa đã nổi tiếng về chất men phủ, phổ biến là men màu búp dong. Loại men này có độ trắng hơi ngả xanh hoặc xám, trong và sâu.

Cũng theo ông Cam, thời xưa còn có loại men là men lý, men nho, màu gần như màu ngọc thạch nên được gọi là men ngọc, nhưng đã bị thất truyền từ lâu. Ngoài ra còn có các loại men rạn, men cát, men chảy, men kính, men co, men giả đá. Mỗi loại đều có những nét độc đáo riêng mà chỉ có người sành gốm mới có thể thẩm định được.

Hiện nay, ở làng Giang Cao, hầu hết các lò gốm đã không còn dùng than, củi hay rơm rạ để đốt lò mà dùng lò công nghiệp bằng ga nên hạn chế được sự ô nhiễm môi trường, đồng thời cũng giảm được lượng phế phẩm.

Có chỗ trên thị trường, vươn ra nước ngoài

Cùng với gốm Chu Đậu, Phù Lãng, Bàu Trúc, gốm Giang Cao đã được chọn để vinh danh cho gốm sứ truyền thống Việt Nam. Sản phẩm gạch hoa, ngói gốm, ngói sành của các công ty như Quang Minh, Thanh Hải cũng được dùng trong công trình phục hồi di tích Hoàng thành Thăng Long, cố đô Huế.

Riêng trong năm 2012, làng đón tiếp tổng cộng 595 đoàn với trên 10.000 lượt khách quốc tế và hàng chục nghìn khách trong nước về thăm quan du lịch, ký kết hợp đồng kinh tế, mua hàng gốm sứ. Khách du lịch, nhất là khách nước ngoài thường ưa thích các sản phẩm men rạn hay hoa văn, hình dáng mang hơi hướng cổ điển.

Vươn ra khỏi thị trường trong nước, gốm Giang Cao hiện đã có mặt ở rất nhiều nơi trên thế giới. Thị trường gốm sứ Giang Cao không chỉ dừng lại ở các nước châu á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan mà còn sang cả Mỹ, úc và các nước EU.

Nhiều sản phẩm gốm cổ của xã Bát Tràng đang được lưu giữ tại các viện bảo tàng lớn trên thế giới như Viện bảo tàng Royaux -Vương quốc Bỉ, Viện bảo tàng Guimet - Pháp là những nhịp cầu nối giúp thế giới biết nhiều hơn đến gốm Bát Tràng nói chung và Gốm Giang Cao nói riêng. Mỗi năm, có hàng triệu sản phẩm được đem ra thế giới, thu nhập từ xuất khẩu chiếm khoảng 30% tổng thu nhập của cả làng.

Có những doanh nghiệp Hàn Quốc còn mang mẫu mã sang tận nơi để đặt hàng sản phẩm. Bảo tồn và phát triển là câu chuyện chung của tất cả các làng nghề truyền thống ở Việt Nam, không chỉ riêng với gốm Giang Cao, đặc biệt trong điều kiện kinh tế thị trường ngày càng xâm nhập sâu tới các ngõ xóm, đường làng như hiện nay.

Dạo quanh một loạt phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm, chúng tôi nhận thấy các mặt hàng đa phần không đề xuất xứ, hãng sản xuất. Đây là điều kiện thuận lợi cho hàng giả trà trộn.

Theo ông Đào Xuân Hùng, có một số hộ kinh doanh cá thể đưa thêm hàng Trung Quốc vào bán cùng, tuy không nhiều nhưng điều đó chắc chắn làm ảnh hưởng tới uy tín chất lượng, thương hiệu của làng. Bên cạnh việc tuyên truyền tới người dân, chính quyền xã cũng đã trình lên huyện việc đề nghị Sở Công Thương cấp tem bảo hộ và quy chế sử dụng tem để tránh hàng giả hàng nhái trà trộn vào sản phẩm Giang Cao, làm mọi cách giữ thương hiệu cho làng nghề.

Liên kết để bảo tồn, phát triển

Ở Giang Cao, hình thức đào tạo, truyền thụ nghề vẫn còn mang tính cá nhân, nhỏ lẻ. Xây dựng một trung tâm đào tạo nghề quy mô lớn do Hội gốm sứ trực tiếp đào tạo là mục tiêu trong tương lai gần của xã nhằm phổ biến kiến thức, nâng cao năng lực và thu hút người trẻ đến với nghề truyền thống. Hội gốm sứ cũng khuyến khích con em theo học các ngành nghề kỹ thuật, mỹ thuật... về phát triển tại địa phương.

Từ năm 2002, các nghệ nhân ở Giang Cao đã bắt đầu liên kết để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua Hiệp hội gốm sứ Bát Tràng. Những thành viên của hiệp hội không chỉ là những gia đình sản xuất gốm mà còn có cả các công ty kinh doanh gốm sứ.

Thông qua hiệp hội, người dân có cơ hội tìm hiểu, nắm bắt thông tin về thị trường, các kiến thức mới trong công nghệ sản xuất gốm sứ, phương thức buôn bán thời thương mại điện tử và cách nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ông Hùng cũng cho biết thêm: bên cạnh chợ gốm làng cổ Bát Tràng khai trương tháng 11/2003, xã cũng đang tiếp tục xúc tiến các dự án xây dựng chợ chiều Giang Cao, cảng du lịch Bát Tràng giai đoạn hai, xây dựng bảo tàng gốm sứ, chợ kết hợp trưng bày và giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống gốm sứ Giang Cao.

Mới đây, Hiệp hội gốm sứ Bát Tràng đã thành lập Trung tâm xúc tiến xuất khẩu Bát Tràng, phối hợp với thành phố Hà Nội tổ chức lễ ra mắt Câu lạc bộ nghệ nhân làng nghề truyền thống gốm sứ Bát Tràng và tiến hành xây dựng thương hiệu "Bát Tràng Việt Nam - 1000 năm truyền thống".

Đi sâu vào trong làng, tôi bắt gặp nhiều hơn các xưởng gốm quy mô lớn có, vừa vừa có. Nhìn các nghệ nhân ngồi say sưa bên bàn xoay với thỏi đất chưa rõ hình hài, thật không thể không khâm phục những trí óc sáng tạo, những bàn tay tài hoa, điêu luyện ấy. Trong mỗi tác phẩm nghệ thuật đã được hoàn thành, tôi như nhìn thấy cả sự cần mẫn, tài năng và có lẽ là cả tâm hồn của người nghệ sỹ, tâm hồn người Việt, hồn dân tộc.
http://tuonggomsubattrang.com.vn/