Niềm tự hào của làng gốm

Niềm tự hào của làng gốm

KINH TẾ

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Minh dưới ngọn cờ đại nghĩa của người anh hùng dân tộc Lê Lợi, đất nước ta bước vào thời kỳ xây dựng mới mà nay chính sử nước ta gọi là thời Lê sơ. Dưới thời Lê sơ (đầu thế kỳ XV), nghề gốm bát tràng ra sao? Đến nay đã có nhiều tài liệu nghiên cứu trong và ngoài nước chứng minh sự phát triển rực rỡ của nghề gốm Đại Việt trong thành phần tiêu biểu của nền văn hoá Thăng Long, với dòng gốm men ngọc và men hoa nâu đặc sắc. Như vậy, có chậm đi chăng nữa thì sau hơn 20 năm dưới ách thống trị tàn bạo của giặc Minh, nghề gốm Bát Tràng đã khôi phục nhanh chóng trước khí thế mới của đất nước sau chiến thắng Bình Ngô. Hẳn là thế, cho nên trong cuốn Dư địa chí, bộ sách địa lý quý giá của nước ta còn lại đến nay do Nguyễn Trãi soạn, đã cho biết: Trong số đồ cống nạp phong kiến phương Bắc, “làng Bát Tràng phải cung ứng 70 bộ bát đĩa”. Kể cũng lạ, nước Tàu có nghề làm gốm men phát triển và nổi tiếng thế mà lại nhận đồ cống bằng gốm men của làng Bát Tràng?

Chính điều ghi chép của Nguyễn Trãi đã thôi thúc nhiều nhà nghiên cứu khảo cổ học đi tìm những gì còn lại của nghề gốm Bát Tràng xưa. Nhưng họ không thể tiến hành đào khảo cổ dưới sâu 10 mét đất phù sa để tìm ra thêm vết tích. Các vật phẩm tìm được công trường Bắc Hưng Hải hiện lưu trữ tại Viện Bảo tàng lịch sử cũng chỉ là bát, đĩa, bình lọ trang trí vẽ men lam, men trắng phủ ngoài, và đều thuộc về thế kỷ XVI-XVII mà thôi. Hơn nữa, trong điều kiện hiện nay cũng chưa thể tiến hành tìm kiếm dưới lòng sông Hồng để mong gặp được những dấu tích về nghề gốm của Bát Tràng trong quá khứ. Tìm hiểu về Bát Tràng qua tài liệu khảo cổ học, vậy là bất lực rồi chăng?.

May sao, ít năm gần đây, người ta đã tìm thấy một vài dấu hiệu đáng mừng ở Đa Tốn, cách Bát Tràng không đầy hai cây số. Đó là những sưu tập gốm men cổ đáng quan tâm, có thể gián tiếp đóng góp vào việc tìm hiểu nghề gốm Bát Tràng. Đa Tốn vốn không phải là xã có nghề gốm truyền thống. Đa Tốn là xã thuần nông nghiệp, có lịch sử lập làng cách ngày nay trên 2000 năm. Nhân dân Đa Tốn đã phát hiện sản phẩm gốm men của nhiều thời đã qua, đặc biệt là các sưu tập gốm men thời Trần và Lê sơ tìm thấy ở Đào Xuyên và Lê Xá. Sưu tập gốm thời Trần có nhiều kiểu dáng: bát, đĩa, âu, mảng bệ tượng, được trang trí nổi hoa cúc, hoa sen, hoa dây cách điệu và phủ men ngọc xanh, hay men vàng ngà thuộc cùng loại đồ gốm tìm thấy ở Hoa Lư (Ninh Bình), đền Hùng (Phú Thọ), Vân Đồn (Quảng Ninh). Lý thú hơn, lại thấy cả bát và đĩa “ngây” (nung chưa chín) và lại có chiếc nứt, rạn, cong vênh. Rõ ràng đây là những thứ phẩm của lò gốm. Cùng chỗ phát hiện đồ gốm này còn có nhiều lon sành các cỡ, rất có thể là mấy loại bao nung. Sưu tập gốm thời Lê sơ có hai chiếc chậu gốm hoa nâu và mấy chiếc đĩa hoa lam cỡ to. Chậu gốm hoa nâu vẽ hoa dây cách điệu hình sin khắc chìm rồi tô nâu. Đĩa hoa lam nền trắng ngà, hoa văn trang trí đơn giản, chỉ là một bông hoa, xung quanh có vài nhánh lá, xanh màu chì, vẽ bằng bút lông mềm mại. Có lẽ không còn phải nghi ngờ gì nữa về xuất xứ của những sưu tập gốm này là của lò gốm Bát Tràng cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV. Những nguồn thông tin khảo cổ học và bảo tàng còn cho biết, rất nhiều bảo tàng trên thế giới xây dựng sưu tập riêng về gốm Việt Nam như ở Nhật Bản, Philippin, Pháp, Bỉ, Thổ Nhĩ Kỳ,... Trong số đó chắc hẳn còn nhiều sản phẩm có xuất xứ nơi sản xuất là lò gốm Bát Tràng. Nhiều học giả nước ngoài ham muốn đi tìm mối quan hệ giao lưu văn hoá từ những đồ gốm men do dựa trên các dữ kiện về kiểu dáng và trang trí. Xem tài liệu giới thiệu cuộc triển lãm do Hội gốm sứ Đông Nam Á tổ chức tại Bảo tàng quốc gia Singapo hồi tháng 6/1982, có thể thấy rõ những bức ảnh chụp bát đĩa chứng minh vấn đề quan hệ giao thương của đồ gốm Bát Tràng với đồ gốm Su Khô Thai (Thái Lan), Nam Trung Quốc và Nhật Bản. Tiêu biểu là loại đĩa cỡ to vẽ hoa lam của Bát Tràng thời Lê sơ.

Tại hải cảng Hacata, một cảng sầm uất từ thế kỷ XII-XIV thuộc đảo Kiusiu (Nhật Bản), người ta đã tìm thấy trong lòng đất một số mảnh gốm men Việt Nam mà nay, một nữ sinh Nhật Bản ở trường đại học Tổng hợp Kiusiu chọn làm đề tài nghiên cứu cho luận văn tốt nghiệp. Lịch sử quan hệ giao thương hẳn là còn nhiều bí ẩn chưa được khám phá, và chắc chắn có ảnh hưởng đến sự phát triển của nghề làm gốm, nhất là từ thế kỷ XVI trở đi con đường mậu dịch Đông-Tây được thiết lập. Vậy thì trung tâm Bát Tràng nổi tiếng lại không đóng góp phần đáng kể nào chăng? Trong catalogue của các cuộc triển lãm về gốm men Việt Nam được trưng bầy và giới thiệu ở Nhật Bản, ở Gia cac ta,… đã giới thiệu nhiều sản phẩm gốm men của Bát Tràng mà phần lớn thuộc các thế kỷ XV, XVI, XVII.

Sản phẩm gốm Bát Tràng là mặt hàng được nhiều nước ưa chuộng vì vẻ đẹp hài hoà, độc đáo của hình dáng, mầu men và nét vẽ. Chính nhờ những bàn tay tài hoa của người thợ gốm Bát Tràng mà biết bao sản phẩm gốm đã trở thành món lợi lớn của các thương nhân Nhật Bản, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Pháp, Anh và Trung Quốc.

Sách Lịch sử về công ty Đông Ấn có ghi: tại Đàng Ngoài, năm 1653, ông Sjatule đứng đầu Thủ Liêu bị kết án tử hình và công ty Đông Ấn – Hà Lan mất món nợ 14.499 đồng Hà Lan… Nhưng cũng không phải vì thế mà tầu Hà Lan đã không tiếp tục ăn hàng.

Đồ gốm men Bát Tràng đã có được một sự lôi cuốn như thế phải chăng là sự “bắt chước gốm Tàu” hay vì “do thợ Trung Hoa truyền bảo”? Ngay các học giả nước ngoài trước đây khi nghiên cứu đồ gốm trong khung cảnh văn hoá Việt Nam, cũng đã bác bỏ những điều mặc cảm đó. Sự thực là dù xuất hiện ở đâu, gốm Bát Tràng vẫn toát lên vẻ đẹp riêng với cốt gốm dầy dặn bởi lối tạo hình be chạch, vuốt tay trên bàn xoay, với nét vẽ phóng khoáng mà tự nhiên cộng với vẻ sâu lắng của lớp men phủ,...

Tuy nay không còn rõ dấu tích về một chiếc lò nung nào của Bát Tràng ở ba thế kỷ (XV, XVI,XVII) dưới triều Lê - Tây Sơn và Nguyễn, nhưng tại nhiều gia đình, nhiều đình chùa trong nước hay ở các bảo tàng quốc gia còn lưu giữ nhiều đồ gốm men mà chắc chắn được chế tạo tại Bát Tràng. Chứng cớ là, trên một số vật phẩm còn thấy rõ họ tên, quê quán của người thợ cùng với niên hiệu triều vua đương thời trị vì.

Ở viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam còn lưu giữ những cây đèn và lư hương thuộc dòng gốm men lam và men rạn của nhiều tác giả làm gốm ở Bát Tràng: cây đèn chế tạo vào khoảng niên hiệu Diên Thành (đời Mạc Mậu Hợp) mục 1578 – 1585 của Nguyễn Phong Lai và Bùi Nghĩa, cây đèn chế ngày 24 tháng 6 năm thứ 3 niên hiệu Diên Thành (1580) của Nguyễn Phong Lai và Hoàng Ngưu, cây đèn chế ngày 25 tháng 10 năm thứ 3 niên hiệu Diên Thành (1580) của Bùi Huệ và Bùi Thị Đỗ.

Ở bảo tàng Hà Nam Ninh có đủ bộ cây đèn và lư hương do Đỗ Xuân Vi chế tạo ngày 20 tháng 8 năm thứ 3 niên hiệu Hưng Trị (đời Mạc Mậu Hợp).

Sang thế kỷ XVII, ở lò gốm Bát Tràng vẫn phổ biến chế tạo các vật phẩm cây đèn, lư hương cùng nhiều loại hình khác. Trong số đó cũng có nhiều chiếc đáng chú ý. Ở viện Bảo tàng lịch sử, có trường hợp như phần dưới của một cây đèn cho biết rõ: tác giả sáng tác và làm ra là xã trưởng xã Bát Tràng, họ tên là Bùi Đào, thời gian chế tạo vào năm thứ 2 niên hiệu Hoàng Định, đời vua Lê Kính Tông (1602). Lại có cây đèn khác ghi rõ là do sinh đồ Vũ Xuân tạo tác năm 1613, cây đèn chế tạo năm thứ 19 niên hiệu Hoàng Định (1619) của tác giả Bùi Hác. Lại có chiếc lư hương miệng tròn được làm vào ngày rằm tháng 8 năm Tân Hợi, năm thứ 9 niên hiệu Cảnh Trị (1671) của đời vua Lê Hiền Tông,...

Ngoài dòng gốm men vẽ lam phủ men trắng, từ những năm đầu thế kỷ 17 ở Bát Tràng đã chế tạo được đồ gốm men rạn rất đẹp. Cây đèn mang niên hiệu Hoàng Định (1601 - 1619) là một điển hình. Cây đèn cũng được tạo hai phần rồi khớp lại, cao 75cm. Đèn được trang trí nổi nhiều loại hoa văn: hoa dây, lá lật, lông công, lá đề “trong mỗi lá đề lại có một vạn” và đủ bộ tứ linh - long - ly- quy - phượng. Ở một góc của phần dưới cây đèn có khắc hai dòng chữ Hán cho biết: người sáng tác và làm ra là Đỗ Phủ xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm. Nhưng điều có ý nghĩa hơn là với cây đèn này, chúng ta có cơ sở khẳng định rằng làng Bát Tràng đã chế tạo được đồ gốm men rạn từ đầu thế kỷ XVII. Đó cũng là chứng cớ vật chất xua đuổi mặc cảm sai lầm về sự du nhập men rạn của Trung Quốc. Bởi vì, ở Trung Quốc, việc phát minh ra men rạn, được quy công cho Đường Anh, vị quản thủ lò gốm ở Trấn Cảnh Đức, lại xảy ra vào thời vua Càn Long nhà Thanh ở nửa đầu thế kỷ 18.

Theo tài liệu thông báo về sưu tập đồ gốm men Việt Nam có niên đại ở viện Bảo tàng lịch sử thì vật phẩm gốm men rạn còn thấy nhiều loại hình khác nhau như lộc bình, cây nến hình gốc tre, lư hương, đỉnh, choé, tượng nghê và tượng hổ nằm,... mang niên hiệu của các triều vua Lê kế tiếp như Cảnh Trị của Lê Huyền Tông, Vĩnh Trị, Chính Hoà Lê Huy Tông, Cảnh Hưng Lê Hiến Tông,... điều đó cũng chứng minh rằng đồ gốm men rạn ở Bát Tràng có quá trình phát triển qua hàng thế kỷ.

Vào cuối thế kỷ 18, dưới triều Tây Sơn, nghề gốm Bát Tràng còn phồn thịnh lắm. Viện Bảo tàng lịch sử còn giữ một đôi bát đế rộng, chân thấp, lòng doãng, thành khum và miệng hơi loe. Thành bên trong và ngoài bát phủ men rạn mầu ngà vàng, xương gốm thô có mầu xám đen (thực chất là đất Dâu Canh). Bên thành ngoài bát, một phía có vẽ khóm trúc bằng men lam và phía đối diện viết hai hàng chữ Hán trích một câu thơ cổ: “vị xuất địa đầu tiên hữu tiết”. Câu này như một triết lý mượn ý nghĩa thực tiễn rằng: Giống tre trúc rất phổ biến và gần gũi với người Việt Nam ta ấy, cái màng non chưa nhô lên khỏi mặt đất thì cái tiết (đốt) của nó đã sinh ra rồi. Thật là một triết lý thâm thuý, ngầm ngợi ca khí tiết con người.

Nhiều đồ gốm men ghi niên hiệu Gia Long (1802 - 1819) được lưu giữ tại Viện Bảo tàng lịch sử cũng là những bằng chứng sinh động về nghề gốm men Bát Tràng ở thời đầu nhà Nguyễn. Trên những vật phẩm lộc, bình, choé, ấm, đồ thờ, đồ gia dụng khác, còn khá phổ biến trong nước, chúng ta vẫn thấy sự tiếp nối với kỹ thuật tạo dáng và trang trí của thời cuối Lê - Tây Sơn. Trên nhiều bình, choé phủ men rạn hay choé men da lươn màu nâu đen, ta vẫn thấy sử dụng màu xanh (cô ban) vẽ bằng bút lông theo các chr đề phong cảnh, chim bên hoa cúc, chim đậu cành trúc, bướm và hoa hồng, chim với hoa sen. Cũng có tiêu bản đáng chú ý như chiếc bình (có lẽ là ống để cắm tranh cuộn) tạo dáng như một ống bương. Người thợ như “sao” lại cái vẻ thực của ống bương ngay từ mấu cho đến một đôi cành lá, hay một chú chim chao cánh… Tất nhiên các trang trí này đều chạm nổi và phủ men rạn màu trắng ngà. Còn có loại bình rượu cỡ lớn, có hai bầu tròn cách nhau bằng một đoạn thắt ngang, miệng hình trụ cao thì đề tài trang trí xoay quanh các vật quý như thanh bảo kiếm, cuốn thư, đỉnh trầm, túi gấm, trái phật thủ, hay bông lựu, quả đào.

Nghề gốm Bát Tràng đã trải qua trên năm thế kỷ với nhiều thành tựu rất đáng tự hào. Đó là bệ đỡ vững chắc để Bát Tràng hôm nay càng tiến nhanh hơn cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hộ

http://tuonggomsubattrang.com.vn/