Đi tìm dấu xưa trong làng cổ Bát Tràng
Quay lại Bản in Yahoo
Cỡ chữ

Đi tìm dấu xưa trong làng cổ Bát Tràng

Những vòm cửa tụt hẳn xuống dưới đầu gối và những vết mái nhà cổ chỉ ngang tầm mắt, những con ngõ quanh co đủ để hai người tránh nhau, một vài lò nung cổ cao vót mặc cho hoa ti gôn hờ hững leo quanh… và còn rất nhiều câu chuyện lý thú nữa còn lại của Bát Tràng mà ngày nay hiếm ai để ý.


Đường vào làng cổ
  



Chiều chớm đông một ngày đầu tuần, làng cổ Bát Tràng vắng lặng khác hẳn với sự nhộn nhịp đông vui như những ngày nghỉ cuối tuần. Tôi có cơ duyên được gặp Lương Mạnh Hải, một bạn trẻ am tường về làng cổ đưa đi tìm những dấu tích xưa cũ của làng.

Từ ngụm trà nụ tới câu chuyện về những… thú chơi độc

Lương Mạnh Hải là con trai cô Lương Nguyệt Minh chủ nhân của Lò Bầu - một chiếc lò cổ còn lại duy nhất của Bát Tràng. Anh cũng là cháu ngoại của cụ Chủ tịch Hội Gốm Sứ Bát Tràng.


Những con ngõ nhỏ ngoằn nghèo và gấp khúc


Những bức tường rêu phong có cây mọc


Bức tường vôi lâu ngày qua mưa nắng hóa thành vân như tay người xoa



Hải đã dành cả buổi chiều để trò chuyện và đưa tôi đi thăm thú làng cổ. Với ấm trà nóng hổi, thơm phức có vị thanh mát khác hẳn vị chát chát ở đầu lưỡi như các loại chè búp hay chè tươi Hải đã nhẹ nhàng kể về những thú chơi đặc biệt của các nghệ nhân giỏi trong vùng.

Anh nói: "Đây là loại chè đặc biệt, chỉ nơi đây mới có bởi nó xuất phát từ việc những người thợ sứ vì quá miệt mài làm việc, đôi khi niềm đam mê khiến người ta quên cả thời gian nên giờ giấc thất thường sinh ra chứng khó ngủ".

Nếu các loại trà khác được làm từ lá hay búp chè khiến người ta tỉnh táo, thêm mất ngủ thì loại trà này được làm từ nụ hoa còn phong nhụy của cây chè. Uống vào nó vẫn có hương sắc của trà mà lại giữ được vị thanh nhiệt, không gây mất ngủ.

 
Một họa sĩ trẻ đã tới Bát Tràng sinh sống và tự đắp tượng của mình

Đó cũng là một cái thú tao nhã của những người thợ sứ lành nghề xưa còn để lại mà không phải ai tới đây cũng để ý hoặc được người dân nhớ mà nói cho nghe. Cùng với thú chơi tao nhã đó là niềm đam mê bỏng cháy của những nghệ nhân muốn đưa danh tiếng của làng vươn xa hơn bằng chính tài năng, lòng nhiệt huyết và đôi bàn tay tài nghệ của mình.

Hải kể: "Nghệ nhân Lê Minh Châu mất nhiều công sức mới làm được chiếc lọ lục bình cao thứ hai thế giới, sau chiếc lọ cao nhất của Trung Quốc đã được xác lập kỷ lục và chiếc lọ này đã đi vào sách kỷ lục Việt Nam. Bố của bác Châu là anh trai ông ngoại Hải nên Hải biết rõ sự vất vả cũng như tài hoa của bác ấy khi làm nên chiếc lọ lục bình này".

Đã có lần nghệ nhân Lê Minh Châu dày công làm nên một cái lọ cao hơn chiếc lọ của Trung Quốc nhưng tiếc là chiếc lọ đó bị vỡ. Làm cái nghề này nó không giống như các nghề khác là có thể kiểm định được độ rủi ro trước khi đưa vào sản xuất mà các công đoạn của nó nếu chia nhỏ ra phải tới 7 công đoạn nhưng chỉ công đoạn cuối cùng mới phát hiện ra lỗi và chỉ vì cái lỗi đó có thể làm bể cả một tác phẩm. Với những tác phẩm đồ sộ như bác Châu làm, chi phí và công sức bỏ ra rất lớn, lên tới 300 - 400 triệu một lần mà hai lần đổ bể thì xem như quá nản.

Hiện tại, ở xưởng của Hải có anh Phạm Anh Đạo, một nghệ nhân vuốt gốm sứ giỏi nhất vùng. Cho tới bây giờ, chỉ có mình anh ấy còn hứng thú tạo nên những chiếc ché khổng lồ được vuốt bằng đôi tay điệu nghệ trên bàn xoay chứ không phải dùng tới máy móc thiết bị như hiện tại.

 
Ché và những sản phẩm bình, lọ với kỹ thuật vuốt bằng tay
 

Những chiếc ché này luôn là hàng độc bởi không chiếc nào giống chiếc nào và không thể sản xuất hàng loạt. Nhưng làm được một cái ché đó cũng rất kỳ công và không tránh được rủi ro, thua lỗ về tài chính. Nhưng đã là đam mê và muốn tạo ra những sản phẩm độc đáo thì buộc phải đầu tư.

Văn chỉ bỏ hoang trong ngôi làng cổ

Bát Tràng được các nhà nghiên cứu xếp hạng là làng văn hóa cổ với 700 năm tuổi, hiện tại trong làng cổ vẫn còn ngôi nhà 130 năm tuổi với lối kiến trúc thời Pháp kiên cố và nguyên vẹn. Ngôi làng cổ nằm lui phía trong sau khu buôn bán sầm uất mà không phải du khách nào cũng biết mà vào tham quan.

 
Di tích của khu văn chỉ xưa

Theo chân Hải chúng tôi len vào trong những con ngõ hun hút, bé tí tẹo chỉ vừa đủ cho hai người tránh nhau. Hải kể: "Các ông cụ trong làng bảo rằng ngày xưa làng giàu có nhất vùng, bọn trộm cắp ở dưới thuyền hay các làng khác thường mò tới nên các cụ làm đường đi nhỏ thôi cho dễ bắt".

Nói xong Hải cười rồi sợ tôi không tin Hải bảo: "Đó là sự thật!". Nhưng còn một lý do nữa, đó là: "Làng vốn nhỏ, lại chủ yếu vận chuyển bằng bê, vác ra thẳng bến sông nên cũng không cần đường to rộng".

Dọc đường đi, Hải chỉ cho tôi những vòm cửa tụt hẳn dưới gối và các vết mái nhà cũ chỉ ngang tầm mắt: "Ngày xưa nền đất làng vốn thấp, theo thời gian nền đất ngày càng được nâng cao nên bắt buộc dân trong làng phải xây móng nhà lên. Thế mới hiểu vì sao người ta lại tìm thấy một Hà Nội của ngàn năm xưa trong lòng đất sâu hút".

Chúng tôi tiếp tục đi dưới những bức tường rêu phong phủ kín, có những bức vách cây mọc xanh um, có những bức tường qua thời gian mưa nắng tự tạo nên những vân tròn như họa tiết do người tự tạo.


Dấu vết mái nhà xưa


Chiếc lò vuông giờ đã không dùng đến, cây dại mọc tốt um trên nóc

Thấy tôi thích thú, Hải giải thích: "Những bức tường có cây phủ kín là bởi nó được xây bằng gạch không tốt, còn những bức tường được xây bằng gạch Bát Tràng cổ thì không cây nào mọc được".

Cũng chỉ khi vào làng cổ tôi mới được tận mắt ngắm những chiếc lò hộp (hay còn gọi là lò đứng), được ra đời từ những năm 1975 và nay thì không còn dùng tới nữa. Những chiếc lò này giờ đây như một kỷ vật cũ kỹ đã bị thời gian thả những nhành cây dại bao phủ, có những chiếc đã bị bể, mặc cho hoa ti gôn quấn quýt thả đầy xuống thành lò nham nhở.




Xưởng làm gốm trong làng cổ

Đi qua một khu đất như bị bỏ hoang tàn nhưng vẫn còn ô cổng nhỏ xinh và thấp, có chú rùa đá đứng cạnh giống như các tượng rùa đá ở Văn Miếu, tôi ngó vào, Hải có vẻ lưỡng lự.

Anh nói: "Vốn đây là khu văn chỉ của làng bởi theo các cụ xưa để lại thì ngoài làm gốm sứ làng còn có nghề buôn mắm và làm quan. Sau này con cháu trong làng ai học giỏi, đỗ đạt khoa bảng đều được đến đây tuyên dương. Nhưng năm tháng làm cho khu văn chỉ này bị hỏng. Gần đây có nhà tài trợ định xây dựng lại nhưng có trục trặc gì đó đành gác lại".


Vận chuyển trong làng cổ ra bến sông


Bến sông do dân làng tự xây để đưa hàng xuống bãi

Câu chuyện của chúng tôi còn dài và còn rất nhiều điều thú vị nữa Hải đã kể nhưng chiều bắt đầu dần buông và rút dần ra bến sông khiến những con ngõ nhỏ quanh co trong làng cổ bỗng trở nên dài hun hút, mát lạnh, âm âm…

Phượt ký của Thục Nhi
http://tuonggomsubattrang.com.vn/

Cập nhật: 27/08/2014
Lượt xem: 1259
Lên trên